Được hỗ trợ bởi Dịch
 

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI

A. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI

I. Căn cứ pháp lý:

- Thông tư số 12/2022/TT-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2022 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

- Thông tư 08/2023/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;

II. Các khoản vay nước ngoài bắt buộc phải đăng ký

1. Các khoản vay nước ngoài sau thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước:

- Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.

- Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.

- Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểmtròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.

III. Thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài

Bước 1:  Ký hợp đồng vay vốn nước ngoài

Sau khi lựa chọn được Bên cho vay cũng như thỏa thuận được các nội dung của hợp đồng vay vốn với phía nước ngoài. Bên đi vay ký hợp đồng vay vốn nước ngoài.

Bước 2: Mở tài khoản vay vốn nước ngoài

- Tài khoản vay, trả nợ nước ngoài là tài khoản thanh toán của bên đi vay mở tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để thực hiện rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài; thực hiện giao dịch phái sinh để phòng ngừa rủi ro đối với các khoản vay nước ngoài và các giao dịch chuyển tiền khác liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài, bảo đảm cho khoản vay nước ngoài.

1. Đối với bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:

1.1 Đối với khoản vay trung, dài hạn nước ngoài

- Bên đi vay sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến khoản vay nước ngoài quy định tại Điều 28 và Điều 29 Thông tư 12/2022/TT-NHNN. Trường hợp đồng tiền vay không phải là đồng tiền của tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, bên đi vay được mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác để thực hiện khoản vay nước ngoài tại ngân hàng nơi bên đi vay mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.

- Bên đi vay có thể dùng 01 tài khoản cho 01 hoặc nhiều khoản vay nước ngoài. Nội dung thu, chi của tài khoản này được quy định tại Điều 28 và Điều 29 Thông tư 12/2022/TT-NHNN.

1.2 Đối với khoản vay ngắn hạn nước ngoài

- Bên đi vay có thể sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp theo quy định tại điểm a khoản này hoặc tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác (không phải là tài khoản vốn đầu tư trực tiếp) để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến khoản vay nước ngoài. Mỗi khoản vay theo quy định tại khoản này chỉ được thực hiện thông qua 01 ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản. Bên đi vay có thể dùng 01 tài khoản cho 01 hoặc nhiều khoản vay ngắn hạn nước ngoài. Nội dung thu, chi của tài khoản này được quy định tại Điều 28 và Điều 29 Thông tư 12/2022/TT-NHNN.

1.3 Đối với các khoản vay ngắn hạn còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn

- Đối với các khoản vay ngắn hạn còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn và bên đi vay sẽ thực hiện trả nợ trong thời gian 30 ngày làm việc tính từ ngày tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn, bên đi vay thực hiện trả nợ qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài đang sử dụng cho khoản vay này;

1.4 Đối với bên đi vay không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

- Bên đi vay không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản vay nước ngoài (rút vốn, trả nợ gốc, nợ lãi). Mỗi khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện qua 01 ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản. Bên đi vay có thể dùng 01 tài khoản cho 01 hoặc nhiều khoản vay nước ngoài. Nội dung thu, chi của tài khoản này được quy định tại Điều 28 và Điều 29 Thông tư 12/2022/TT-NHNN.

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài

1. Trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến: Bên đi vay thực hiện khai báo Đơn đăng ký thay đổi khoản vay trên Trang điện tử, in đơn từ trang điện tử, ký và đóng dấu;

2. Trường hợp Bên đi vay lựa chọn hình thức truyền thống: Bên đi vay hoàn thành mẫu đơn theo quy định.

Bước 4: Đăng ký tài khoản trực tuyến của doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp truy cập website https://qlnh-sbv.cic.org.vn/qlnh/ và thực hiện đăng ký tài khoản, kê khai các thông tin cần thiết và gửi yêu cầu đăng ký.

2. Doanh nghiệp in tờ khai đăng ký cấp tài khoản, ký tên & đóng dấu vào tờ khai sau đó gửi đến Ngân hàng nhà nước cùng GCN đăng ký đầu tư & GCN ĐKDN của đơn vị.

3. Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Ngân hàng nhà nước cấp tài khoản & thông báo cho doanh nghiệp về địa chỉ email mà đơn vị đăng ký.

Bước 5: Thực hiện kê khai đơn đăng ký khoản vay

1. Tài khoản của doanh nghiệp, đơn vị thực hiện kê khai thông tin đơn đăng ký khoản vay.

2. Sau khi hoàn tất đơn đăng ký khoản vay tại tài khoản, doanh nghiệp thực hiện thao tác gửi đơn trực tuyến.

* Lưu ý về thủ tục tại bước 5

- Đối với thủ tục tại bước 5 chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có các khoản vay ngắn hạn chuyển thành khoản vay trung và dài hạn.

- Ngược lại, đối với doanh nghiệp đăng ký khoản vay trung và dài hạn lần đầu thì chỉ phải thực hiện bước 5 sau khi đã được Ngân hàng nhà nước cấp Giấy xác nhận đăng ký khoản vay và cập nhật thông tin đăng ký khoản vay (tức sau bước 7 và bước 8).

Bước 6: Nộp hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài

Bên đi vay gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài tới Cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký theo quy định tại Điều 20 Thông tư 12/2022/TT-NHNN trong thời hạn:

- 30 ngày làm việc kể từ ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn;

- 30 ngày làm việc kể từ ngày ký thỏa thuận gia hạn khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn đối với khoản vay quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này mà ngày ký thỏa thuận gia hạn trong vòng 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên;

- 30 ngày làm việc kể từ ngày bên đi vay được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ngày ký hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng PPP), ngày các bên ký thỏa thuận vay nước ngoài để chuyển số tiền chuẩn bị đầu tư thành vốn vay (tùy thuộc ngày nào đến sau), áp dụng đối với khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành vốn vay nước ngoài.

- 60 ngày làm việc tính từ ngày tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với:

- Khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn mà ngày ký thỏa thuận gia hạn sau 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên;

- Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.

Bước 7: Xác nhận của Ngân hàng Nhà nước về đăng ký khoản vay nước ngoài hoặc từ chối

Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký khoản vay (có nêu rõ lý do) trong thời hạn:

- 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên đi vay trong trường hợp bên đi vay đã khai báo thông tin khoản vay trên Trang điện tử;

- 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên đi vay trong trường hợp bên đi vay không khai báo thông tin khoản vay trên Trang điện tử;

- 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên đi vay đối với trường hợp khoản vay bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Thông tư này.

Lưu ý: Đối với các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước cho phép theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Thông tư 12/2014/TT-NHNN, thủ tục đăng ký khoản vay đồng thời là thủ tục đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận khoản vay. Văn bản xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài đồng thời là văn bản chấp thuận khoản vay của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Bước 8: Ngân hàng Nhà nước cập nhật thông tin khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước/Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước kiểm tra hồ sơ, cập nhật tình hình xử lý hồ sơ trên Trang điện tử hoặc tạo mã khoản vay và lưu trữ thông tin vào cơ sở dữ liệu vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Bước 9: Thực hiện báo cáo thống kê khoản vay nước ngoài tới Ngân hàng Nhà nước

1. Báo cáo định kỳ khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp

- Định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo, bên đi vay phải báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện các khoản vay ngắn, trung và dài hạn tại Trang điện tử. Trường hợp Trang điện tử gặp lỗi kỹ thuật không thể gửi được báo cáo, bên đi vay gửi báo cáo bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư 12/2022/TT-NHNN.

2. Báo cáo đột xuất khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp

- Các trường hợp đột xuất hoặc khi cần thiết, bên đi vay, ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản thực hiện báo cáo theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Từ ngày 1/9, vay ngân hàng cần lưu ý điều gì?

B. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI

Trừ các khoản vay phát sinh từ Hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài thông thường gồm các tài liệu cụ thể như sau:

1. Đơn đăng ký khoản vay nước ngoài (theo mẫu tại Phụ lục 01 kèm theo Thông tư 03/2016/TT-NHNN);

2. Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) hồ sơ pháp lý của Bên đi vay và bên sử dụng vốn vay đối với trường hợp Bên đi vay không phải là bên sử dụng vốn vay;

3. Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) hoặc bản chính văn bản chứng minh Mục đích vay;

4. Bản sao và bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của Bên đi vay) Hợp đồng vay vốn nước ngoài hoặc thỏa thuận vay nước ngoài và thỏa thuận gia hạn khoản vay ngắn hạn thành trung, dài hạn (nếu có); hoặc văn bản rút vốn kèm theo thỏa thuận khung;

5. Bản sao và bản dịch tiếng Việt (có xác nhận của Bên đi vay) văn bản cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh khác) trong trường hợp khoản vay được bảo lãnh;

6. Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt việc vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đối với Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp Bên đi vay là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

7. Báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn cấp tín dụng và các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm cuối tháng gần nhất trước ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài và văn bản chứng minh việc chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về giới hạn cấp tín dụng và các tỷ lệ đảm bảo an toàn đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận theo quy định của pháp luật (nếu có) đối với Bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

8. Xác nhận của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản (trong một số trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 14 Thông tư 03/2016/TT-NHNN) gồm:

a) Trường hợp vay nước ngoài để cơ cấu lại Khoản nợ nước ngoài: Văn bản của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài Khoản của Bên đi vay về tình hình rút vốn, trả nợ đối với Khoản vay nước ngoài sẽ được cơ cấu lại từ nguồn vốn vay nước ngoài

b)  Trường hợp phần vốn nhà đầu tư nước ngoài chuyển vào Việt Nam đã sử dụng để đáp ứng các Khoản chi phí chuẩn bị đầu tư được chuyển thành Khoản vay nước ngoài trung, dài hạn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo quy định hiện hành của pháp luật có liên quan về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam: Văn bản của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài Khoản của Bên cho vay xác nhận các giao dịch thu, chi liên quan đến việc hình thành Khoản vay;

c) Trường hợp Khoản vay thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 9 Thông tư này: Văn bản của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài Khoản của Bên đi vay về tình hình rút vốn, trả nợ đối với Khoản vay nước ngoài ngắn hạn ban đầu.

9. Văn bản, chứng từ chứng minh lợi nhuận được chia hợp pháp bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay và xác nhận của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản về tình hình chia và chuyển lợi nhuận về nước của Bên cho vay nhằm chứng minh việc giải ngân khoản vay đối với trường hợp vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam theo quy định hiện hành về điều kiện vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam;

10. Văn bản giải trình về nhu cầu vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam đối với trường hợp vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về Điều kiện vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam.

Viết bình luận

Gọi ngay