MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU TẠI VIỆT NAM ( phần tiếp)
Khi kinh doanh và đăng ký kinh doanh, chủ doanh nghiệp đều phải xác định rõ về ngành nghề kinh doanh và các ngành nghề này được phân vào các mã ngành nghề theo quy định. Tương tự như vậy, nhãn hiệu khi được bảo hộ sẽ được bảo hộ cho các sản phẩm/dịch vụ cụ thể và các sản phẩm/dịch vụ này được phân nhóm theo quy định (Việt Nam hiện đang áp dụng bảng phân loại sản phẩm/dịch vụ Quốc tế Nice, chưa tham gia Thỏa ước Nice);
Khi được bảo hộ, nhãn hiệu sẽ được bảo hộ độc quyền cho các sản phẩm/dịch vụ đã đăng ký như phân nhóm. Ngoài ra phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đã đăng ký có thể bao trùm thêm các sản phẩm/dịch vụ liên quan hoặc tương tự gần.
Ví dụ, nhãn hiệu “ ” hay “ ” đã được bảo hộ cho các dịch vụ “Đánh giá kinh doanh; hỗ trợ quản lý kinh doanh; khảo sát kinh doanh thương mại; tư vấn tổ chức kinh doanh; dịch vụ tái lập kinh doanh; dịch vụ cố vấn điều hành kinh doanh; quảng cáo; tổ chức triển lãm cho mục đích thương mại hoặc quảng cáo; dịch vụ giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, cho mục đích bán lẻ; quan hệ công chúng; xuất bản tài liệu quảng cáo” thuộc Nhóm 35, “Phân tích tài chính; đầu tư vốn; tư vấn tài chính; định giá tài chính [bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản]; môi giới chứng khoán và trái phiếu; quản lý tài chính” thuộc Nhóm 36, “Tổ chức và điều khiển hội thảo [tập huấn]; tổ chức và điều khiển hội nghị chuyên đề; tổ chức triển lãm cho mục đích văn hóa hoặc giáo dục; tổ chức các cuộc thi [giáo dục hoặc giải trí]; sản xuất các chương trình phát thanh và truyền hình; xuất bản sách và báo điện tử trực tuyến” thuộc Nhóm 41 và “Tư vấn về sở hữu trí tuệ; dịch vụ li-xăng sở hữu trí tuệ; dịch vụ tranh tụng; dịch vụ hoà giải; dịch vụ trọng tài phân xử; dịch vụ giải quyết tranh chấp ngoài tòa án; dịch vụ nghiên cứu pháp luật; dịch vụ giám sát sở hữu trí tuệ; tư vấn trong lĩnh vực an ninh; quản lý quyền tác giả” thuộc Nhóm 45, tức là chỉ được bảo hộ cho các dịch vụ liệt kê thuộc Nhóm 35, 36, 41 & 45 nêu trên.
Hay nói cách khác, chủ sở hữu các nhãn hiệu này không có quyền ngăn chặn bất kì cá nhân/pháp nhân nào sử dụng và đăng ký phần chữ VIETTHINK hay logo ở trên cho các sản phẩm/dịch vụ không liên quan khác, ví dụ như sản phẩm/dịch vụ liên quan đến quần áo, giày dép, mũ nón, hoa quả tươi, sữa, đường, đồ uống, dịch vụ nhà hàng ăn uống, dịch vụ chiếu phim, dịch vụ làm đẹp…
Tuy nhiên, theo quy định, có một số trường hợp đặc biệt là nhãn hiệu nổi tiếng được nhiều người biết đến tại Việt Nam và nước ngoài thì phạm vi bảo hộ rộng hơn rất nhiều và được Cục SHTT công nhận điều đó thì phạm vi bảo hộ bao trùm các sản phẩm/dịch vụ khác mặc dù chưa được đăng ký hoặc không được đăng ký tại Việt Nam. Ví dụ như nhãn hiệu “COCA COLA” hay “" thuộc sở hữu của THE COCA COLA COMPANY chỉ đăng ký bảo hộ tại Việt Nam cho các sản phẩm “Toàn bộ hàng hóa nhóm này kể cả bia, nước khoáng, nước ga và các loại đồ uống không có cồn; đồ uống hoa quả và nước ép hoa quả, xi rô và các chế phẩm khác để làm đồ uống” thuộc Nhóm 32 nhưng Cục SHTT sẽ từ chối tất cả các nhãn hiệu COCA COLA được nộp đơn dưới tên chủ sở hữu khác cho các sản phẩm/dịch vụ khác bởi:
Nhãn hiệu COCA COLA được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng; và do đó
Việc bảo hộ nhãn hiệu COCA COLA dưới tên chủ sở hữu khác sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc/xuất xứ sản phẩm mang nhãn hiệu COCA COLA, cụ thể là vì độ phủ sóng quá rộng của nhãn hiệu nổi tiếng, người tiêu dùng sẽ hiểu rằng tất cả các sản phẩm khác mang nhãn hiệu COCA COLA cũng được cung cấp bởi THE COCA COLA COMPANY, do đó không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ đã quy định tại điểm g) và i) Khoản 2 Điều 741 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019. Việc bảo hộ này, nếu có, chắc chắn gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng và ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nhãn hiệu đã được thừa nhận là nổi tiếng.
Nhãn hiệu khi được bảo hộ sẽ có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn;
Hiệu lực của nhãn hiệu có thể được gia hạn nhiều lần, không giới hạn số lần, mỗi lần gia hạn là cho 10 năm;
Để gia hạn hiệu lực chủ sở hữu cần nộp yêu cầu gia hạn và đóng phí, lệ phí theo quy định.
Nhãn hiệu sẽ được thẩm định theo quy trình như sau:
Theo quy trình trên, theo đúng luật quy định, thời gian thẩm định của nhãn hiệu thông thường, cho một đơn nhãn hiệu là 12 tháng, bao gồm:
Giai đoạn 1: Thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn;
Nếu đơn đáp ứng các quy định liên quan đến hình thức, Cục SHTT sẽ ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; Nếu đơn chưa đáp ứng quy định liên quan đến hình thức, Cục SHTT sẽ ra Thông báo thiếu sót đề nghị chủ đơn sửa đổi/bổ sung để hoàn chỉnh về mặt hình thức.
Giai đoạn 2: Công bố: 02 tháng kể từ ngày Quyết định chấp nhận đơn;
Nhãn hiệu sau khi có Quyết định chấp nhận đơn sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Mục đích của việc công bố là để người thứ ba nếu có ý kiến phản đối việc bảo hộ nhãn hiệu công bố, có thể có ý kiến với Cục SHTT để xem xét; và trong thời gian này Cục SHTT cũng thẩm định nội dung (thẩm định khả năng đăng ký của nhãn hiệu).
Giai đoạn 3: Thẩm định nội dung: 09 tháng kể từ ngày đơn được công bố
Sau khi đơn được công bố, đơn nhãn hiệu sẽ được xem xét về khả năng đăng ký.
Nếu nhãn hiệu đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Cục SHTT sẽ ra Thông báo đề nghị chủ đơn đóng phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, sau khi phí được chủ đơn đóng, Cục SHTT sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Nếu nhãn hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Cục SHTT sẽ ra Thông báo kết quả thẩm định nội dung và đưa các lý do, căn cứ từ chối và chủ đơn sẽ có một khoảng thời gian là 03 tháng để trả lời Thông báo này.
Mặc dù theo quy định, 12 tháng là hoàn tất việc thẩm định đơn nhãn hiệu, trên thực tế, khoảng thời gian này thường bị kéo dài 20-24 tháng kể từ ngày đơn được đơn với Cục SHTT.
Viết bình luận