Được hỗ trợ bởi Dịch
 

LUẬT SƯ LÊ NHUNG CHIA SẺ QUAN ĐIỂM VỀ VẤN ĐỀ MẬT ĐẠO VÀNG LẬU - KỲ 2: VÙNG XÁM CỦA GIAO DỊCH DÂN SỰ

Ẩn mình dưới lớp vỏ giao dịch dân sự giữa các cá nhân, nhiều thương vụ vàng lậu đã lặng lẽ vượt qua tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, để lại những khoảng trống pháp lý đầy rủi ro. Những kẽ hở này đang bị lợi dụng như con đường ngầm cho dòng chảy vàng lậu. Tại Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung - Công ty Luật TNHH L&A Legal Experts đã có những phân tích đáng chú ý về “vùng xám” pháp lý khó lường này.

LTS: Ở kỳ 1 của loạt bài “Mật đạo vàng lậu”, chúng tôi đã hé lộ những tuyến đường vận chuyển vàng trái phép từ biên giới vào nội địa, nơi từng ki-lô-gam vàng được ngụy trang tinh vi, tuồn lậu qua cửa khẩu bằng nhiều hình thức mà cơ quan chức năng khó lòng kiểm soát. Nhưng điều khiến dư luận thực sự lo ngại không chỉ nằm ở các chuyến đi “không lý lịch”, mà nằm ở chỗ: vàng lậu khi đã lọt vào thị trường thì gần như không còn là vàng lậu nữa.

Sự vô hiệu hóa của các công cụ truy xuất bắt đầu từ chính vùng giao dịch cá nhân, nơi pháp luật hiện hành đang đứng ngoài cuộc. Không hóa đơn, không kê khai, không bị ràng buộc bởi bất kỳ chuẩn mực chứng từ nào, các giao dịch dân sự về vàng đang diễn ra mỗi ngày - qua mạng xã hội, tại các tiệm vàng nhỏ lẻ, hoặc đơn giản là lời hứa viết tay. Sự “tự do dân sự” ấy, thay vì được kiểm soát đúng mức, lại đang bị lợi dụng trở thành mảnh đất để hợp pháp hóa dòng chảy bất hợp pháp. Và càng đáng lo ngại hơn khi tình trạng này không còn là hiện tượng cá biệt mà đang lan rộng ở quy mô thị trường.

mat-dao-vang-lau-ky-2-vung-xam-cua-giao-dich-dan-su-1.jpg

Một đối tượng vận chuyển vàng bị phát hiện tại sân bay Nội Bài. Ảnh: CACC

Nhiều chuyên gia cảnh báo: chính những khoảng trống trong hệ thống pháp luật, nơi luật chưa theo kịp thực tế giao dịch, chưa có ngưỡng giám sát bắt buộc, chưa buộc người dân chịu trách nhiệm chứng minh tài sản đang khiến Nhà nước đánh mất khả năng kiểm soát không chỉ với vàng lậu, mà với toàn bộ dòng tiền mờ đang vận hành bên ngoài ngân sách và hệ thống thuế.

Trong kỳ 2 này, chúng tôi sẽ đi sâu vào thực trạng “giao dịch dân sự” về vàng, một vùng xám đang được bỏ ngỏ quá lâu. Từ đó, bài viết đặt ra câu hỏi: liệu còn bao lâu nữa, nếu không có hành lang pháp lý đủ mạnh, thì “chợ đen” vàng lậu sẽ tiếp tục khoác áo giao dịch hợp pháp và thách thức toàn bộ nỗ lực minh bạch hóa thị trường của Nhà nước?

Vàng lậu được “rửa” sạch qua giao dịch dân sự

mat-dao-vang-lau-ky-2-vung-xam-cua-giao-dich-dan-su-2.jpg

Tang vật vụ án buôn lậu hơn 6 tấn vàng thỏi. Ảnh: Ảnh: TL

Ngày 28/9/2022, Công an TPHCM phối hợp cùng lực lượng chức năng tại Tây Ninh triệt phá một đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia vào Việt Nam. Hơn 6 tấn vàng thỏi đã được vận chuyển qua biên giới bằng hình thức chia nhỏ, giấu trong xe du lịch cá nhân, trước khi được phân phối vào hệ thống các tiệm vàng nhỏ lẻ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Trị giá toàn bộ số vàng này lên tới 8.500 tỷ đồng.

Theo điều tra, các đối tượng cầm đầu như Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Ngọc Giàu không sử dụng doanh nghiệp trung gian mà trực tiếp bán số vàng lậu cho các đầu mối quen biết, giao dịch bằng tiền mặt. Không hóa đơn, không sổ sách, không truy xuất – toàn bộ giao dịch diễn ra hoàn toàn “sạch” trên giấy tờ. Kết thúc phiên tòa, các bị cáo đã bị tuyên với mức án thích đáng. Tuy nhiên, phần lớn số vàng lậu khi đã qua tay cá nhân thì không còn cơ sở pháp lý để thu hồi.

Từ vụ việc này, nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhận định, sau khi vàng lậu đã vào thị trường dân sự thì gần như không thể truy vết, bởi không có cơ sở để yêu cầu cá nhân chứng minh nguồn gốc tài sản. Hệ thống giám sát hóa đơn tài chính hiện hành không bao phủ giao dịch cá nhân.

Giao dịch lớn – kiểm soát bằng niềm tin

Theo các chuyên gia pháp lý, hiện không có văn bản nào buộc cá nhân phải kê khai, xuất trình hóa đơn khi mua bán vàng. Nghị định 24/2012/NĐ-CP chỉ điều chỉnh các tổ chức kinh doanh vàng, hoàn toàn không chạm đến giao dịch dân sự.

Luật Dân sự 2015 cho phép mua bán tài sản bằng thỏa thuận miệng, không ràng buộc chứng từ. Cơ chế này tưởng như thuận tiện, nhưng lại tạo điều kiện để “rửa sạch” tài sản lậu. Nhiều tiệm vàng nhỏ không ghi hóa đơn, giao dịch bằng tiền mặt, doanh thu thật không được ghi nhận, khiến vàng không rõ nguồn gốc dễ dàng hòa vào thị trường hợp pháp.

Một chuyên gia nhận định với Diễn đàn Doanh nghiệp, với đặc tính ẩn danh và dễ thanh khoản, vàng đang trở thành tài sản lý tưởng để giấu dòng tiền. Nhưng hiện pháp luật lại đang để tự do như một loại tài sản cá nhân bình thường.

Phải viết lại khung pháp lý cho giao dịch vàng cá nhân

mat-dao-vang-lau-ky-2-vung-xam-cua-giao-dich-dan-su-3.jpg

Luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật TNHH L&A Legal Experts. Ảnh: NVCC

Về nội dung này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật TNHH L&A Legal Experts cho biết, việc để các giao dịch vàng giữa cá nhân với cá nhân nằm ngoài mọi kiểm soát là một “điểm trũng pháp lý” rất nguy hiểm, bởi vàng không chỉ là một loại hàng hóa đặc thù mà còn là công cụ tài chính có rủi ro cao.

“Trong mọi giao dịch tài sản có giá trị lớn như bất động sản, xe cộ hay cổ phiếu, người dân đều phải thực hiện kê khai, sang tên, thậm chí nộp thuế. Nhưng riêng với vàng, dù là giao dịch hàng trăm triệu đồng, pháp luật lại cho phép “thỏa thuận bằng miệng”, thanh toán tiền mặt. Đó là lỗ hổng cần bịt ngay”.

Theo bà Nhung, trong khi Nhà nước siết chặt hóa đơn điện tử, truy vết giao dịch ngân hàng để kiểm soát thuế và chống rửa tiền, thì vàng lại đang được lưu hành song song như một “ngoại lệ bất hợp lý”.

“Đã đến lúc phải ban hành quy định bắt buộc đối với giao dịch vàng cá nhân có giá trị lớn, ví dụ từ 30 triệu đồng trở lên phải có chứng từ, hoặc buộc thông qua sàn vàng số được Nhà nước cấp phép. Nếu không xác lập được cơ chế hậu kiểm, vàng lậu sẽ mãi có một “lối thoát” rất hợp pháp - chính là giao dịch dân sự”.

Đồng quan điểm, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law cũng cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần viết lại toàn bộ khung pháp lý liên quan đến quản lý thị trường vàng, trong đó bổ sung nghĩa vụ pháp lý cho cá nhân sở hữu và giao dịch vàng, điều đang hoàn toàn bị bỏ ngỏ.

mat-dao-vang-lau-ky-2-vung-xam-cua-giao-dich-dan-su-4.jpg

Luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law. Ảnh: NVCC

“Hiện nay, cá nhân không có nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc vàng. Nhưng khi tài sản ấy được dùng để góp vốn, chuyển nhượng, cầm cố, hoặc làm phát sinh thu nhập thì Nhà nước hoàn toàn không thể truy nguyên dòng tiền. Đó là mảnh đất lý tưởng cho hành vi rửa tiền, chuyển tài sản xuyên biên giới”, vị chuyên gia nói và nhấn mạnh: ngoài việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội sửa cả Luật Dân sự theo hướng tái định nghĩa “tài sản có giá trị chịu giám sát”, đồng thời bổ sung vàng vào nhóm tài sản bắt buộc kê khai khi giao dịch vượt ngưỡng.

“Nếu không có giới hạn pháp lý và công cụ theo dõi, vàng sẽ tiếp tục là công cụ tài chính nằm ngoài hệ thống quản trị quốc gia. Điều đó không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế, mà còn làm méo mó cấu trúc thị trường, tạo bất công giữa doanh nghiệp tuân thủ và cá nhân lách luật”, luật sư Tạ Anh Tuấn bày tỏ.

Với phân tích của các luật sư có thể thấy, từ một tài sản tích lũy, vàng đang trở thành mắt xích nguy hiểm nếu tiếp tục nằm ngoài ràng buộc pháp lý. Khi luật chưa kịp khép lại những khoảng trống, thì thị trường đã kịp mở vô số ngõ lách. Và trong im lặng, từng lượng vàng không hóa đơn đang tiếp tục len vào hệ thống, hợp pháp hóa giá trị, vô hiệu hóa chính sách và xóa nhòa ranh giới giữa dòng tiền minh bạch và bất minh.

Và khi vàng đã thoát khỏi mọi kiểm soát pháp lý thông qua giao dịch dân sự, điều gì đang chờ ở phía sau? Không dừng lại ở việc hợp pháp hóa dòng vàng lậu, hệ thống tiệm vàng nhỏ lẻ còn đang trở thành nơi “tái sinh” cho hàng hóa không hóa đơn, biến trốn thuế thành một dạng hợp pháp nửa vời, bằng chính những quyển sổ tay và hóa đơn quay vòng.

Trong kỳ tới của loạt bài “Mật đạo vàng lậu”, chúng tôi sẽ tiếp tục đi sâu vào các chiêu thức hợp thức hóa, né thuế qua hệ thống kinh doanh vàng tự phát: khi từng giao dịch không ghi nhận là doanh thu, từng phiếu thu không phản ánh đúng bản chất kinh doanh, và khi hệ thống thuế nhà nước chỉ còn là tấm rèm đứng nhìn bên ngoài dòng chảy thật sự của tài sản.

Nguồn: Mật đạo vàng lậu - Kỳ 2: Vùng xám của giao dịch dân sự

Viết bình luận

Gọi ngay