Được hỗ trợ bởi Dịch
 

Góp vốn điều lệ bằng tiền mặt hay chuyển khoản?

1. Góp vốn điều lệ bằng tiền mặt hay chuyển khoản?

Cá nhân có thể lựa chọn góp vốn bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản còn doanh nghiệp góp vốn vào doanh nghiệp khác bắt buộc phải chuyển khoản/hình thức khác không dùng tiền mặt.

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.

Theo đó, tài sản để góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Đối chiếu với khoản 2 Điều 3 Nghị định 222/2013/NĐ-CP, thanh toán bằng tiền mặt là việc sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để trực tiếp chi trả/thực hiện các nghĩa vụ trả tiền khác trong các giao dịch thanh toán.

1.1. Đối với doanh nghiệp tham gia góp vốn:

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC, các doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt gồm cả tiền giấy, tiền kim loại để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn, mua bán và chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp góp vốn không được dùng tiền mặt. Khi góp vốn vào doanh nghiệp, các doanh nghiệp được sử dụng các hình thức sau:

  • Thanh toán bằng Séc;
  • Thanh toán bằng ủy nhiệm chi - chuyển tiền;
  • Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác.

1.2. Đối với cá nhân tham gia góp vốn:

Theo Công văn 786/TCT-CS có nêu, cá nhân khi góp vốn vào doanh nghiệp được phép thanh toán bằng tiền mặt.

Như vậy, cá nhân khi góp vốn vào các doanh nghiệp có thể góp bằng tiền mặt, không có quy định bắt buộc góp vốn phải qua tài khoản ngân hàng. Song để đảm bảo minh bạch, rõ ràng nên chọn thanh toán qua ngân hàng.

2. Góp vốn bằng tiền mặt cần chứng từ gì?

Trong trường hợp cá nhân góp vốn bằng tiền mặt cần chuẩn bị các chứng từ sau:

- Phiếu thu: Nội dung ghi rõ góp vốn kinh doanh vào công ty; Đầy đủ chữ ký và họ tên của người nộp tiền, người thu tiền, người lập phiếu.

- Biên bản kiểm kê tiền mặt;

- Biên bản góp vốn.

3. Phạt doanh nghiệp góp vốn bằng tiền mặt bao nhiêu?

Doanh nghiệp góp vốn bằng tiền mặt sẽ bị phạt từ 300 - 400 triệu đồng theo điểm b khoản 3 Điều 3, khoản 8, điểm a khoản 10 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 143/2021/NĐ-CP).

Cụ thể, khoản 8 Điều 26 Nghị định 88/2019 sửa đổi tại khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021 quy định:

 8. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm quy định thanh toán bằng tiền mặt;

b) Thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán mà không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Đối chiếu với điểm b khoản 3 Điểu 3 Nghị định 88/2019 thì mức phạt trên là mức phạt áp dụng với cá nhân vi phạm, tổ chức vi phạm thì phạt gấp đôi.

Do đó, mức phạt đối với doanh nghiệp góp vốn thanh toán bằng tiền mặt sẽ từ 300 - 400 triệu đồng. Đồng thời, phải nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Nguồn: luatvietnam.vn

Viết bình luận

Gọi ngay