Được hỗ trợ bởi Dịch
 

CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN CÓ THỂ CHUYỂN ĐỔI THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN THEO PHƯƠNG THỨC HUY ĐỘNG THÊM TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC GÓP VỐN HAY KHÔNG?

Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần theo phương thức huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn hay không?

Công ty trách nhiệm hữu hạn (Hình từ Internet)

Căn cứ vào khoản 2 Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2020 về chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần

Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần
....
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần theo phương thức sau đây:
a) Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;
b) Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
c) Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;
d) Kết hợp phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này và các phương thức khác.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần theo phương thức huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn.

Công ty trách nhiệm hữu hạn muốn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để chuyển đổi thành công ty cổ phần phải đáp ứng những điều kiện gì?

Căn cứ tại Điều 15 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định về các điều kiện như sau:

Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần
1. Có phương án chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần được Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua.
2. Có phương án phát hành được Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua; có phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán (trừ trường hợp chào bán theo hình thức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định này) được Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua.
3. Các thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu công ty phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
4. Việc chào bán cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng theo quy định của pháp luật.
5. Có thỏa thuận giữa thành viên có phần vốn được chào bán với tổ chức phát hành về phương án chào bán, giá chào bán trong trường hợp chào bán phần vốn góp của thành viên.
6. Điều kiện quy định tại các điểm a, b, d, e, g, h và i khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán.

Như vậy, công ty trách nhiệm hữu hạn muốn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải đáp ứng những điều kiện:

- Có phương án chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần được Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;

- Có phương án phát hành được Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua; có phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán (trừ trường hợp chào bán theo hình thức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 155/2020/NĐ-CP) được Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;

- Các thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu công ty phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

- Việc chào bán cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng theo quy định của pháp luật;

- Có thỏa thuận giữa thành viên có phần vốn được chào bán với tổ chức phát hành về phương án chào bán, giá chào bán trong trường hợp chào bán phần vốn góp của thành viên;

- Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

- Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;

- Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;

- Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;

- Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;

- Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;

- Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.

Trong trường hợp công ty không đáp ứng được 01 trong các điều kiện trên thì việc chuyển đổi loại hình công ty sẽ không thể hoàn thành.

Thời hạn công ty trách nhiệm hữu hạn thực hiện việc đăng ký chuyển đổi loại hình theo quy định của pháp luật?

Căn cứ vào khoản 3 Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2020 về chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần như sau:

Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần
....
3. Công ty phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, việc đăng ký chuyển đổi loại hình từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần sẽ được thực hiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thông báo nhận được báo cáo kết quả đợt chào bán của Ủy ban chứng khoán nhà nước.

Viết bình luận

Gọi ngay