Được hỗ trợ bởi Dịch
 

Chính phủ sẽ trình Quốc hội chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu

Tại kỳ họp tháng 10, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các dự thảo nghị quyết về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế.

Thông tin này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi cho ý kiến về đề xuất áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, ngày 26/7.

Phân tích cơ sở pháp lý, các đại biểu dự họp cho rằng, việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Mặt khác, trong bối cảnh áp thuế này, cần đưa ra các chính sách, hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới để đảm bảo cạnh tranh, tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Vì thế, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng báo cáo, đề xuất việc áp thuế này. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế. Bộ trưởng Tư pháp được giao thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình trong tháng 7 để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung hai dự thảo nghị quyết trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền, cho phép xây dựng các dự thảo nghị quyết trên theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp (tháng 10 năm nay).

Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia né thuế, có hiệu lực từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Việc này nhằm ngăn các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế.

Tại ASEAN, một số nước đã có kế hoạch áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thủ tướng lưu ý chính sách cần điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, môi trường và bảo đảm huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước.

Thêm nữa, chính sách cần phát huy vai trò của công cụ thuế để điều tiết các hoạt động kinh tế, đồng thời cân bằng, hài hòa giữa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân với mục tiêu thu - chi ngân sách, chống thất thu thuế.

Còn Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), lãnh đạo Chính phủ đề nghị bổ sung các giải pháp để điều chỉnh các hoạt động kinh doanh mới phát sinh, như kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

"Chính sách đưa ra cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, đảm bảo hợp lý, khả thi. Quản lý thu thuế cần chặt chẽ, tránh tạo ra kẻ hở để người nộp thuế lợi dụng gian lận, trốn thuế", Thủ tướng nói.

Ông cũng lưu ý các bộ, ngành khi xây dựng chính sách cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi liền với phân bổ nguồn lực, năng lực thực thi của cấp dưới.

Nguồn: luatvietnam.vn

 

Viết bình luận

Gọi ngay